You are here

  • 08.06.2022 | 1,560 lượt xem | Như Ngọc

Sôi nổi Hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy và buôn bán người

Ngày 7/6, Đoàn trường Đại học Kiên Giang đã tổ chức Hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy và buôn bán người năm 2022, thu hút của hơn 200 đoàn viên, thanh niên đến tham dự.

Toàn cảnh Hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy và buôn bán người năm 2022

Phát biểu tại hội thi, ThS. Trịnh Lê Hoàng Tuấn – Bí thư Đoàn trường Đại học Kiên Giang cho biết, hội thi nhằm giáo dục, tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, thanh niên trong Trường Đại học Kiên Giang về tác hại của ma túy; ngăn ngừa, phòng chống các tệ nạn xã hội, mại dâm trong trường học; trang bị thêm kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật;...

Trong thời gian qua, Nhà trường đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, quán triệt, triển khai đến đoàn viên, thanh niên thực hiện Chỉ thị số 36-CT-TW của Bộ chính trị gắn với thực hiện chiến lược, dự án, đề án phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội; các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, xử lý hành vi có liên quan đến tệ nạn xã hội; phát động phong trào sinh viên nói không với ma túy và cam kết không thử, không tàng trữ, không sử dụng, không buôn bán ma túy.

ThS. Trịnh Lê Hoàng Tuấn – Bí thư Đoàn trường Đại học Kiên Giang phát biểu khai mạc hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy và buôn bán người năm 2022

“Đoàn trường Đại học Kiên Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chung vai chia sẻ trách nhiệm, triển khai thực hiện các hoạt động có hiệu quả cao nhất công tác phòng chống ma tuý và mại dâm trong học đường, quyết tâm thực hiện mục tiêu trường học nói không với ma túy và mại dâm” – ThS. Trịnh Lê Hoàng Tuấn nói.

Bạn Trần Ngọc Huyền, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cho hay thông qua các tiểu phẩm và vòng thi kiến thức em được tiếp thêm thông tin, điều lệ, luật lệ về phòng, chống ma túy và buôn bán người, hiểu thêm về các hình thức, loại hình trá hình liên quan đến tệ nạn, các mức xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Điều này giúp em nhận thức rõ ràng hơn về tác hại của ma túy, tệ nạn trong đời sống vật chất, tinh thần và xã hội.

Tiểu phẩm Lời xin lỗi muộn màng của Đoàn khoa Thông tin – Truyền thông đoạt giải nhất tại hội thi

Còn bạn Lê Hoàng Nam, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, nhận định sinh viên nên chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức, biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và mọi người xung quanh trước thủ đoạn, cách thức lôi kéo của đối tượng xấu, những hành vi vi phạm pháp luật và các hoạt động trá hình liên quan đến ma túy, mại dâm, buôn bán người.

“Ma túy là chất gây nghiện rất độc hại đến sức khỏe con người, có thể làm 1 người từ khỏe mạnh trở nên suy yếu, mất sức lao động, suy giảm nhận thức vì thế không nên sử dụng ma túy dù chỉ một lần” – Nam nói.

Các đội tham gia phần thi kiến thức trắc nghiệm trả lời câu hỏi

Hội thi lần này được tổ chức gồm 2 phần, gồm: phần thi tiểu phẩm (không quá 15 phút) với nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người; phần thi kiến thức dưới hình thức trắc nghiệm về: Luật Phòng, chống ma túy; Pháp lệnh quy định về phòng, chống mại dâm; Luật phòng, chống mua bán người;...

Cô Ngô Thị Thà – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, trẻ em – Bình đẳng giới và tệ nạn xã hội – Sở Lao động Thương Binh và Xã hội trao giải nhất cho Đoàn khoa Thông tin – Truyền thông

Sau 2 phần thi sôi nổi, Ban Giám khảo đã thống nhất kết quả chung cuộc Đoàn khoa Thông tin – Truyền thông đoạt giải nhất; Đoàn khoa Ngoại ngữ đoạt giải nhì; Đoàn khoa Kinh tế đoạt giải ba.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons